“… Ra dạy là vì thấy ai cũng dạy môn phái Thiếu Lâm, còn Võ cổ truyền Việt Nam người ta lại lờ đi, vô tình hay cố ý vùi lấp Võ dân tộc Việt Nam, hoặc là không biết võ nghệ Việt Nam đã có từ thời ngàn xưa. Vì muốn võ thuật Việt Nam tồn tại mãi mãi cho ngày mai nên mới mạnh dạn đem ra phổ biến lại cái gì của tiền bối khi xưa bình Nguyên, đánh Tống, gìn giữ bờ cõi quê hương đất nước. Vì thấy gương cao cả ấy, mặc dù không làm được như người xưa, song cũng lưu lại cái gì của Việt Nam đã có…” (Lời của Sư trưởng Trương Thanh Đăng).
Võ sư Trương Thanh Đăng sinh năm 1895 tại Phan Thiết, hiệu Sa Long Cương, tự Huyết Hùng, chiến danh Bảy Đăng, Sư trưởng là danh hiệu mà các thế hệ môn đồ Bình Định - Sa Long Cương tôn gọi. Năm 14 tuổi ông xin gia đình ra Bình Định, quê hương người anh hùng áo vải Tây Sơn Nguyễn Huệ để tìm thầy học võ và được học với nhiều võ sư danh tiếng trong vùng như võ sư Trương Trạch ở Phù Mỹ, cử nhân võ đương thời; võ sư Hai Cụt ở làng Cẩm Thượng, võ sư Đinh Cát ở An Nhơn và nhiều võ sư khác ở An Vinh, An Thái. Ngoài thời gian tập luyện, ông còn gặp gỡ trao đổi, nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm võ với nhiều bạn võ lâm đồng đạo đương thời như các võ sư Đoàn Phong, Hai Cửu, Xã Búp, Mười Đậu, Năm Tường…
Mười lăm năm sau, Võ cổ truyền Việt Nam đã thấm sâu vào tâm khảm của Sư trưởng Trương Thanh Đăng, vốn là người cầu tiến, không đóng khung trong sự cố chấp hẹp hòi, Sư trưởng đã tiếp tục thụ huấn với võ sư Vĩnh Phúc, người miền Bắc, môn đệ Chùa Thiếu Lâm, thêm 7 năm. Sau khi trở về Phan Thiết, duyên may Sư trưởng lại tiếp tục được học với võ sư người Phúc Kiến và người Hẹ về các môn công phu ám khí phun kim, binh khí cửu liên hườn (hoàn), thảo bộ tứ môn… và những kỹ thuật cao cấp của Thiếu Lâm.
Một thời gian dài với những kiến thức đã có về Võ cổ truyền Bình Định - Việt Nam và Võ Thiếu Lâm, ông còn được ngoại tổ, vốn là thầy dạy võ triều đình cho các thí sinh cử nhân võ, truyền dạy về những kinh nghiệm, tâm lý, kỹ thuật chiến đấu thực tế. Năm 1925, Sư trưởng mở võ đường dạy võ tại Phan Thiết, năm năm sau, 1930, ông vào Sài Gòn lập nghiệp và truyền bá sở học võ cổ truyền Việt Nam trên tinh thần khiêm tốn, hoà hiếu nhưng cũng thu hút nhiều thành phần xã hội theo học, nhất là những công chức cao cấp đương thời. Sư trưởng Trương Thanh Đăng thường nhắc: “Võ chính là con dao hai lưỡi”, nên việc chọn dạy học trò đối với ông rất cẩn trọng. Thật vậy, nếu dụng võ giúp ích cho đời thì phước đức vô lượng, bằng ngược lại dùng võ vào những việc bất chính thì di hại khôn lường.
Năm 1964, Tổng cuộc quyền thuật Việt Nam thành lập tại Sài Gòn, Sư trưởng Trương Thanh Đăng gia nhập và được cấp Chứng minh thư Võ sư, được phép mở võ đường, lúc đó Sư trưởng mới tuyên hiệu cho võ đường là Sa Long Cương, cũng chính là tên hiệu của ông. Võ đường phát triển mạnh, sau trở thành hệ phái chính thống Võ cổ truyền Bình Định - Việt Nam. Ngày nay, các thế hệ học trò của ông lấy tên gọi là “Võ cổ truyền Việt Nam Bình Định - Sa Long Cương”.
Sau 39 năm (1925 đến 1964) truyền bá sở học Võ cổ truyền Việt Nam và 21 năm (1964 đến 1985) công khai hoạt động, Sư trưởng Trương Thanh Đăng từ giã cõi trần vào ngày 17 tháng 9 năm 1985 tức ngày mùng 3 tháng 8 năm Ất Sửu, thượng thọ 91 tuổi. Trưởng nam của Sư trưởng là Sư phó Trương Bá Đương (? - 2010) cùng Võ sư Trưởng tràng Lê Văn Vân (1954 - 2009) đảm nhiệm trọng trách kế thừa phát triển môn phái Bình Định - Sa Long Cương trong nước tại thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Biên Hoà, Trường Đại học quốc tế Hồng Bàng…; và nước ngoài tại Pháp, Ý, Canada, Hoa Kỳ… Năm 2004 môn phái thành lập Liên đoàn quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam Bình Định Sa Long Cương tại Canada. Trước năm 1975, giới võ thuật miền Nam Việt Nam tôn vinh Sư trưởng Trương Thanh Đăng, võ sư Vũ Bá Oai, người thành lập Hàn Bái Đường và võ sư Quách Văn Kế, người sáng lập Lam Sơn Võ Đạo là “Tam Nguyệt”, ý chỉ ba mặt trăng sáng trong làng Võ cổ truyền Việt Nam.
Clb Võ Thuật Bằng Long Hải ĐT 0986512303_0937620682 Website; dangkyhocvo com EMail;dangkyhocvo@gmail.com _Sức khoẻ là tài sản vô giá của mỗi con người chúng ta và là tài sản của đất nướcgiữ gìn cũng cố sức khỏe phát triển toàn diện là quá...
Ý kiến bạn đọc